Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Khuất núi!

Mặt trời rụng, những vẩn mây đen bò lổm ngổm một góc trời như muốn làm dịu cái nóng. Lũ ve cố làm không khí sục sạo của ngày rơi rớt bằng âm thanh khô khốc. Rồi thì mọi sức lực cũng dồn vào cơn gió đủ để cho khí nóng bị loãng ra. Tôi tiếc cho những cánh sen trắng trong bình chưa kịp đón hơi gió mát cuối ngày đã vội vã rụng. Chiều trôi tuột đi với đủ thứ âm thanh của làng quê. Lại luôi cuốn “Người đẹp ngủ mê” ra và đọc lại. Chao ôi! cảm giác và cảm giác. Và bỗng dưng tự mình nghĩ mình khi về già!... “Thôi, chẳng miêm man theo dòng mây, chắc gì còn có cơ hội đợi đến khi được gọi là ‘già’ mà lo. Mọi thứ cư biến động và bất ổn, ngay chính tâm hồn mình cũng thế!”. Tự mình bảo mình và quẳng đi những thì tương lai xa tắp.
Không khí mùa màng bị át đi bởi có một con người xấu số vừa trút hơi thở tàn. Chị còn trẻ, cái tuổi còn quá sớm khi chưa bước đến ngưỡng mà các cụ bảo ‘xuân hồi’. Chị đã phải lòng cơn bão hôm qua và đi theo hắn. Cơn bão đa tình nhưng là kẻ phụ bạc. Hắn sẵn sàng đón nhận và lôi kéo bất cứ linh hồn yếu ớt nào đã nghe tiếng của hắn thì thầm bên tai. Trước khi rời đi, hắn cũng yêu cầu linh hồn rời thân xác của mình. Và thế là chị bỏ lại hai đứa nhỏ đang còn quen mùi sữa mẹ, chúng vẫn ngơ ngác chưa biết mẹ chúng đi đâu. Bỏ lại người chồng còn nằm bên cạnh tối qua đang tê tái tình phu thê chưa trọn với thang thuốc bắc sắc dở. Bỏ lại những người thương yêu chị, bỏ lại những người hàng xóm quen tiếng chào hỏi của chị và bỏ lại chút thương xót của tôi. Mùa màng bị bỏ ngổn ngang trong đám rơm ướt. Trên bãi nghĩa trang ấy lại thêm một nấm mộ hoa trắng ngay ngắn với những nấm mộ khác. Giữa cánh đồng- nơi nghỉ ngơi hền lành của những thể xác, để hương lúa xoa dịu nỗi vất vả, lam lũ của cuộc đời khi sống.
Bà cụ Tư đã bước sang tuổi 89, giọng bà thì thào với người hàng xóm: “Thủ đô Hà Nội chắc phải lớn lắm nhỉ, thấy trên ti vi người ta bảo có những nhà xây những mấy chục tầng, cao cao là! Tôi ngần này tuổi mà chưa từng đi đến đó, lúc trẻ thì nghèo chẳng có điều kiện để đi, giờ già thịt nhức xương đau, có đi được đến đâu mà đi!’’. Lại nghĩ thương cho những con người cả đời gắn thân thiết với chốn quê hương, họ cũng vui cười với sô phận khi xế bóng. Và trân trọng biết bao với hi vọng cho con cháu có cuộc sống hơn mình.
          Thế đấy! Tiếng kèn đám tang như tiếng khóc của tâm hồn tôi với người hàng xóm tốt bụng. Chẳng thể đọc được hết lần thứ ba cuốn “người đẹp ngủ mê” mà người bạn tặng. Đành đi ra bãi sông để tìm chút riêng cho tâm hồn và bỏ lại trang sách đọc dở được đáng dấu.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Gửi AD!


Thế là cuối cùng cậu cũng đến một chân trời mới của tự do. Tôi có thể cảm nhận được sự háo hức xen lẫn chút hội hộp và do dự của cậu.  Nhưng xin cậu, đừng vì mảy may chút do dự nào, hãy căng lồng ngực mà hít thở sự tự do của nhịp sống mới đi nhé, hãy tận hưởng nó vì tất cả mọi lí do (...)
Tôi chẳng kịp được tạm biệt cậu ở Thủ đô. Sau buổi thi hôm ấy, tôi phải vội vã trở về với cơn sốt quái quỉ. Những viên thuốc kháng sinh, những cơn đau thuốc tiêm chạy vào từng sợi cơ trên cánh tay gầy gò lẻo khẻo, những ngụm cháo nóng ngùn ngụt chui vào miệng khi mùa hè oi nhuột cơ thể lên tới 39,7 độ C. Nghĩ đến giờ tôi còn thấy rùng mình. Rồi mọi cảm giác nóng bức được làm nhẹ dần khi từng giọt nước truyền dịch ngấm vào cơ thể, và tôi đã nghĩ đến chuyến đi của cậu. Khi chuyến tàu rục rịch trườn mình qua cầu Long Biên, tôi đã mường tượng ra cậu ngồi ở trên đó, ngay khung cửa sổ đó.  Và tôi đã tạm biệt cậu như thế.

Những chùm hoa phượng cố gắng kéo dài mùa hè bằng cách phơi mình trên nắng. Lũ ve sầu cũng tận dụng cảm hứng để cất vang bản đồng ca oi bức trước khi thời gian kịp chuyển mùa. Tôi cũng đã kịp đến thành phố trước khi chuyến bay ước mơ của cậu cất cánh.
Không quá ồn ào trong sự nhộn nhịp, thành phố của cậu đã đón tiếp tôi nồng nàn. Tôi đã bỏ quên những cảm giác được cất giấu trong mình ở thành phố của cậu, giờ thì bị nỗi nhớ nhấm nháp trong kỉ niệm. Nếu khi nào món bánh đa vào đêm và món chè thập cẩm của cậu có thể tách từng thành phần thì hãy để cho tôi tách từng kỉ niệm về thành phố của cậu nhé.


Cậu là đồ khùng!
Cậu đã làm tôi trở thành kẻ vô duyên với món mì vằn thắn ấy. Món mì mà cậu giới thiệu như một ả đào nổi tiếng, ả sẵn sàng làm tình với những cái miệng khác mà với tôi ả lại dửng dưng từ chối. Mỗi lần, khi tiếng xe máy của cậu kịp chạm đếm đầu phố thì dường như có kẻ nào đó đã nhanh tay khép chặt cánh cửa, thế là tôi và cậu lại bỏ đi với sự hụt hẫng. Chắc chẳng có cơ hội tôi được cậu mời lại món ấy nữa, thay vì đó, tôi đã hình dung nó với những sợi mì to, dai, có lẽ cần thêm chút cay của ớt, chút mặn của muối, hoặc là chút ngọt của đường, và không thể thiếu chút chua của chanh. Thế là tôi thấy buồn cười rằng mình đang trở thành đầu bêp, thay vì thêm những thành phần khác của món mì thì tôi lại toàn cho gia vị. Nói thật, nếu cùng là một món mì ấy khi có bạn bè ăn cùng thì sẽ khác nhiều đó. Chẳng biết cậu có nghĩ như vậy không nhưng tôi thì biết rõ điều đó.
Nếu có cơ hội tôi sẽ ngồi xe và hỏi những điều mà cậu không biết trả lời: sao tên phố ấy lại đặt là thế, tên phố lạ nhỉ, sao không thấy cột truyền hình  hoặc là sao người ta không cấm tàu thay vì cấm ô tô... Tôi cứ hỏi tóa hỏa như thế và lúc đó, cậu đóng vai là một hướng dẫn viên nhiệt tình trước vị khách khó tính như tôi. Tôi nhìn bức ảnh và trêu cậu giống anh chàng Hiệp gà, còn cậu khăng khăng nói là giống ca sĩ Hà Anh Tuấn, tôi thấy khuôn mặt cậu nhăn nhó và đôi mắt cứ chếch chiếc kính đầy khó hiểu trông rất buồn cười. Cái dáng của cậu vùng vằng như cậu bé tinh nghịch dỗi hờn với bà và mẹ. Ngay cả buổi sáng cậu nằm ngủ nướng trông như một con mèo ấy. Còn cả lúc cậu hét để bảo vệ chú bé hàng xóm trước trò véo má của bố. Tôi thấy ở cậu có sự thân thiện, gần gũi và vui vẻ.


Cậu đúng là đồ khùng!
Cậu giúp đỡ tôi, tặng cho tôi những món quà, đến ngay cả việc đi lại cậu cũng tặng tôi trong khi tôi là kẻ tham lam, chỉ nhận và nhận. Bây giờ tôi thấy mình nợ cậu.
Tôi chẳng biết nên làm thế nào cho mình có thể sôi động hơn, bởi tôi luôn sợ cảm giác của bạn bè khi nghĩ về tôi với hai chữ “tẻ nhạt”. Đôi khi, những hành động xử sự khách sáo của tôi với bạn bè như cố thẻ hiện một sự qua lại. Nhưng vì điều gì thì cũng cảm ơn cậu đã làm bạn của tôi và hiểu tôi!

Hừm, đồ khùng!
Thôi, cậu cứ đi đi nhé, hãy cho tôi làm Sancho Panca đi theo cậu- Don Quichott cùng với những điều mơ ước. Hãy thế nhé!


Một nơi mới, cuộc sống ăn nhậu về đêm và chắc chắn cậu sẽ phải thích nghi với điều đó. Tôi thấy thương cho cái dạ dày của cậu, nếu có bận cho công việc hay phải thiêu mình vào những cuộc ăn nhậu thì cậu nhớ chăm sóc cho nó nhé.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Một chút cho ai!










Hừm! dù Bụng đã nhắc đi nhắc lại với Dạ rằng thôi đừng nghĩ và đừng viết về những chuyện buồn nữa, ấy thế mà Dạ vẫn làm những việc đó. Bụng giận Dạ lắm! Nhưng biết làm sao được, bởi Bụng là người hiểu Dạ mà.
Bụng hiểu, Dạ là người có cá tính. Những cá tính giúp Dạ có nhiều màu sắc trong cuộc sống. Nói thật, dù Bụng không thể yêu một vài cá tính của Dạ nhưng vẫn tôn trọng nó bởi nó là cách sống mà Dạ lựa chọn cho riêng mình.
Dạ thì muốn nghĩ và viết những chuyện buồn ra để có thể đón nhận mối tình vui vẻ và hạnh phúc, những gì mà cuộc sống bên ngoài đang ngồn ngộn sắc màu. Dạ luôn có khát khao một cuộc sống mới với hạnh phúc mới. Bụng đã thấy “cô gái thợ may Trung Hoa” trong suy nghĩ của Dạ!
Ừ, với nụ cười tán thành, Bụng nhẹ nhàng nói với Dạ, có lẽ, đó là cách để Bụng động viên chính mình. Ngay khi ấy, Bụng thấy sự giằn vặt đã đến với mình.
Con đường quen từ nhà Bụng đến nhà Dạ chẳng phải xa, Bằng Lăng đã xòe tím biếc hai bên đường bấy lâu mà Bụng giờ mới để ý đến nó. Bụng thấy nhớ, nhớ mùa hoa nở, nhớ mùi rơm mới, và rất nhớ Dạ! Nhớ những chiều cả hai cùng trên chiếc xe đạp vui cười khi đi cắt lúa về. Nhớ lần hái chùm hoa rất đẹp mà Bụng đã giấu trong áo để đem tặng cho Dạ, thế mà chưa kịp tạo sự bất ngờ thì lũ kiến đen đã thi nhau tùng xẻo da của Bụng, chúng tức giận vì Bụng nỡ phá vỡ gia đình của chúng. Và suốt chiều ấy, Dạ phải ngồi bôi thuốc cho Bụng. Bụng nhớ mãi cảm giác ấy, cảm giác được chăm sóc. Bụng thấy khuôn mặt ửng đỏ của Dạ vừa ngại ngùng e thẹn, lại vừa lo lắng quan tâm, rồi bất chợt  cả hai cùng chạm ánh mắt vào nhau và cười. Bụng đã ôm Dạ lần đầu như thế. Bằng Lăng vẫn nở nhuộm tím chiều tàn khi những bông hoa cỏ may đã kịp làm tình với sợi vải quần.


Dạ đã lên chuyến tàu của mình, chỉ còn chờ tiếng còi xuất phát nữa thôi. Bụng đã không kịp nói thêm lời nào! Bụng đã từng ước chàng Đông ki sốt nhà hiệp sĩ xứ Mantra sẽ tìm thấy tình yêu thực của mình với nàng công nương Dulcinée du Toboso. Chỉ thế thôi Dạ nhé! Khi đến nơi nào đó, Bụng chỉ xin Dạ hãy nhớ có một mùa hoa nở tím biếc chiều hè. Và có mùi rơm mới.